Khi nghe cụm từ “người lân cận”, nhiều người tin Chúa sẽ tự nhiên nghĩ đến điều răn “yêu người lân cận như chính mình” và câu chuyện người Sa-ma-ri nhân lành, nhỉ? Câu chuyện người Sa-ma-ri nhân lành là một ẩn dụ, nó được kể trong bối cảnh có một người am hiểu luật pháp đến hỏi Chúa Giê-xu: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” Chúa Chúa Giê-xu không trả lời trực tiếp nhưng Ngài kể một ẩn dụ về một người bị rơi vào tay bọn cướp. Chúng lột hết quần áo và đánh đập rồi để mặc người đó dở sống dở chết. Lúc ấy, có một thầy tế lễ và một người Lê-vi tình cờ đi xuống đường đó, thấy nạn nhân nhưng đều tránh đi. Nhưng có một người Sa-ma-ri thấy thì đến gần, động lòng thương xót, dang tay ra cứu giúp (Lu-ca 10:25-37). Dụ ngôn này rất nổi tiếng và có ảnh hưởng sâu rộng trong hầu hết các nền văn hóa trên thế giới như một gương mẫu của lòng thương xót và nhân ái với người khác. Tuy nhiên, khi được giải nghĩa trong đúng bối cảnh câu chuyện thì ý nghĩa thật sự của ẩn dụ này không phải để dạy chúng ta làm người Sa-ma-ri nhân lành. Thế nên những nhà nghiên cứu Kinh Thánh gọi đây là ẩn dụ bị giải nghĩa sai nhiều nhất. Ý nghĩa sâu xa hơn của ẩn dụ này là chỉ ra nhu cầu được cứu mà người am hiểu luật pháp trong câu chuyện với Chúa Giê-xu cần nhận ra. Người đó cần nhận lấy sự cứu giúp của người Sa-ma-ri nhân lành, mà chính Chúa Giê-xu là người Sa-ma-ri đích thực và duy nhất.
Nhìn về góc độ phương châm sống, có thể nói phương châm của vị luật gia là “luật pháp là để thuộc và công chính là để khoe.” Chắc ông ấy thuộc luật pháp làu làu nên cố tình dùng luật pháp để thử Chúa Giê-xu. Ông ấy nghĩ mình công chính nên muốn chứng tỏ với mọi người, chứng tỏ luôn với Chúa Giê-xu nhưng không nhận ra rằng chính mình cũng đang rất tội nghiệp, thương tích, lõa lồ và cần được cứu bởi Chúa Giê-xu.
Những tên cướp thì có lẽ sống với phương châm “cái gì của anh là của tôi” cho nên chúng đã lấy hết đồ đạc người này có, kể cả quần áo. Đây là một việc làm sai trái mà Kinh Thánh lên án và không cho phép: điều răn thứ 8: “Con không được trộm cắp.” và điều răn cuối cùng: “Con không được tham muốn… bất cứ vật gì thuộc về người lân cận con.” (Xuất Ai Cập Ký 20:15-17). Còn thầy tế lễ và người Lê-vi, người cùng nhóm với vị luật gia này, sao lại lánh đi và không có lòng thương xót đối với người đang bị hại và cần cứu giúp? Có lẽ vì họ sống với phương châm “cái gì của anh là của anh, cái gì của tôi là của tôi.” Họ là những người biết Chúa dạy phải yêu thương, nhưng chọn người phù hợp để yêu thương và thường yêu bằng lời nói, chứ không phải bằng hành động. Nhưng yêu thương là một động từ. Yêu thương phải được thể hiện qua hành động. Đó chính là cách sống của người Sa-ma-ri. Nhưng người Sa-ma-ri là người như thế nào trong thời của Chúa Giê-xu? Đó là người không hề được tôn trọng, bị xa lánh và khinh miệt. Thậm chí một số lãnh đạo người Do Thái đã từng nói Chúa Giê-xu là người Sa-ma-ri với ý khinh nhạo và hạ thấp Ngài (Giăng 8:48). Trong ẩn dụ Chúa Giê-xu kể thì người không mong đợi nhất lại là người đã giúp đỡ nạn nhân! Người Sa-ma-ri này có cả lòng thương xót, có cả nguồn lực, có cả sự hy sinh, có cả uy tín, và có cả sự không phân biệt với người kỳ thị, ghét bỏ mình, nhưng đã sẵn lòng giúp đỡ. Vì phương châm của người Sa-ma-ri là “những gì của tôi là của anh.”
Chúa Giê-xu dùng hình ảnh người Sa-ma-ri để mô tả cho vị luật gia biết yêu người lân cận có nghĩa là yêu như cách người Sa-ma-ri đã làm. Điều này anh ta không thể làm được và không ai có thể làm được, vì hình ảnh Người Sa-ma-ri nhân lành ở đây chính là Chúa Giê-xu. Chỉ có Chúa Giê-xu mới có cả lòng thương xót, có cả nguồn lực, có cả sự hy sinh, có cả uy tín, và có cả sự không phân biệt người ghét mình để cứu giúp người đó.
Như thế, chúng ta hiểu rằng việc cố gắng yêu người lân cận là hoàn toàn không thể. Và làm điều tốt cho người khác theo luật con người để được Chúa chấp nhận cũng là điều không thể. Nhưng ngày nay chúng ta, những người biết Chúa Giê-xu có thể “yêu vì Chúa đã yêu chúng ta trước.” (I Giăng 4:19).