Xuất Ai Cập Ký 25:8 – “Họ sẽ làm cho Ta một Đền Thánh để Ta ngự giữa họ”. Trong thời Cựu ước, Đức Chúa Trời hiện diện trong Nơi Chí Thánh của Đền Tạm. Tại đó có Hòm Giao Ước, tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời và chỉ có thầy tế lễ thượng phẩm mới được vào đó mỗi năm một lần thôi. Vì sự thánh khiết của Đức Chúa Trời quá lớn nên có hàng loạt những luật lệ nghiêm ngặt dành cho thầy tế lễ thượng phẩm. Thầy tế lễ phải đeo chuông ở chân để phòng khi sai trái và Đức Giê-hô-va hình phạt, không chấp nhận người đó đứng trước mặt Ngài nữa, thì dân sự theo tiếng chuông mà biết người đó còn không để kéo ra ngoài (Xuất Ai Cập Ký 28:33). Chúng ta không tưởng tượng hết được sự thánh khiết của Đức Giê-hô-va khi đưa ra luật lệ này, nhưng xuyên suốt Kinh Thánh, số những người đến gần Chúa không xứng hợp bị trừng phạt là không ít: Cô-rê, Đa-than, A-bi-ram cùng 250 người lãnh đạo trong Cựu ước, hai con trai thầy tế lễ Hê-li; vua Hê-rốt, A-na-nia và Sa-phi-ra của Tân ước; và tất cả những dân ngoại thờ tà thần gớm ghiếc.

Thế nhưng, tất cả đều đã thay đổi khi Chúa Giê-xu chết trên thập tự giá. Bức màn phân cách giữa Nơi Thánh và Nơi Chí Thánh đã bị xé làm đôi từ trên chí dưới. Bị xé làm đôi từ dưới lên trên là việc con người làm, nhưng từ trên xuống dưới là việc Đức Chúa Trời làm. Chúa mở cho nhân loại một con đường sống tức là ngang qua xác Ngài. Vì thế, những người tin Chúa có quyền tự do hoàn toàn để ra mắt và diện kiến Chúa. Từ đó Kinh Thánh mô tả chúng ta là Đền Thờ của Đức Chúa Trời, nơi chứa đựng sự hiện diện thánh khiết toàn phần của Đức Chúa Trời trong Cựu ước ở Nơi Chí Thánh. “Anh em không biết rằng anh em là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự trong anh em sao?” (I Cô-rinh-tô 3:16)
Vậy trở thành Đền Thờ của Chúa có nghĩa là gì

Trong Cựu ước, Đền Tạm của Đức Chúa Trời là nơi Đức Thánh Linh cư ngụ. Dân Y-sơ-ra-ên sẽ “mang” Thánh Linh của Đức Chúa Trời đi khắp nơi họ đi, kể cả khi ra trận. Nhưng với sự chết và sự phục sinh của Đấng Christ, giờ đây chúng ta được “sinh bởi Thánh Linh.” Nói cách khác, chúng ta được làm cho trong sạch và thánh khiết, để Chúa Thánh Linh có thể đến và sống trong chúng ta. Vì vậy, thay vì sự hiện diện của Đức Chúa Trời của Cựu ước là ở bên ngoài, Thánh Linh của Ngài bây giờ ở bên trong của tất cả những người tin Chúa Giê-xu.

“Nhưng nếu chúng ta bước đi trong ánh sáng, cũng như chính Ngài ở trong ánh sáng, thì chúng ta được tương giao với nhau, và huyết của Đức Chúa Giê-xu, Con Ngài, tẩy sạch mọi tội của chúng ta (I Giăng 1:7). Nói đến lẽ thật về Đền Thờ thì sự thánh khiết là cực kỳ quan trọng. Để sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở cùng dân Y-sơ-ra-ên, mọi thứ phải được tẩy sạch bằng huyết. Sự hiện diện của Ngài là thánh nên nơi Ngài ngự cũng cần phải thánh. Huyết của Chúa Giê-xu tẩy sạch chúng ta mọi điều gian ác, làm cho chúng ta nên thánh. Chính nhờ Chúa Giê-xu mà chúng ta có thể trở thành Đền Thờ, là nơi ngự của Đức Chúa Trời. Đây là một đặc ân vinh hạnh lớn nhưng cũng đi kèm với một yêu cầu rất lớn: “Anh em không biết rằng thân thể anh em là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, Đấng mà Đức Chúa Trời đã ban cho anh em sao? Anh em cũng không còn thuộc về chính mình nữa, vì anh em đã được mua bằng giá rất cao. Vậy, hãy dùng thân thể anh em mà tôn vinh Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 6:9-10). Hãy dùng thân thể mình, hoặc ăn, hoặc uống, hay làm bất cứ điều gì khác, đều tôn vinh Đức Chúa Trời. Điều này nói thì dễ nhưng trong cuộc sống thực tại lại rất khó. Không phải vì Kinh Thánh không có đủ kiểu mẫu những tình huống phù hợp với cuộc sống hiện đại của thế kỷ 21 để chúng ta noi theo nhưng bởi vì sự tối và cái tôi trong chúng ta vẫn còn lảng vảng và vẫn còn lên tiếng. Chúng ta dễ chiều theo cảm xúc, cảm tính, và cảm giác riêng của mình để: hoà mình vào đám đông, lựa chọn theo số đông, lựa chọn điều dễ hơn. Dù Cơ Đốc nhân vốn quen với câu nói: “hoà nhập chứ không được hoà tan” nhưng thường khó vạch được ranh giới giữa hoà nhập với hoà tan. Bắt đầu có thể chỉ là tham khảo một ý kiến của bên ngoài, nhưng không lâu sau chúng sẽ dễ dàng trở thành giám khảo định lượng việc chúng ta sẽ làm. Ban đầu chỉ là học cho biết, nhưng sẽ không lâu sau sẽ đến chỗ học theo hết. Ban đầu chỉ là thử một chút, nhưng bước vào rồi khó lòng rời một phút

Mục sư Charles Sheldon từ Topeka, Kansas, Mỹ vào năm 1886 đã bắt đầu một loạt bài giảng thú vị với đề tài “Chúa Giê-xu sẽ làm gì?” Mỗi tuần, Mục sư Charles Sheldon sẽ kể một câu chuyện, trong đó các nhân vật gặp phải một quyết định hoặc tình huống đạo đức khó xử, rồi Mục sư đặt ra câu hỏi “Chúa Giê-xu sẽ làm gì?” Dựa trên lẽ thật lời Chúa, vị Mục sư này đã đưa ra những câu trả lời đầy sâu nhiệm và mạnh mẽ về cách Chúa Giê-xu sẽ làm. Để khuyến khích tín hữu đến vào buổi nhóm sau, ông còn đưa ra tình huống trước và hẹn tuần sau gặp lại để tìm hiểu điều gì xảy ra tiếp theo. Những bài giảng này phổ biến vô cùng rộng rãi sau đó. Được nhiều sự ghi nhận, Sheldon đã cho xuất bản những bài giảng này trên Tạp chí Congregationalist, và không bao lâu sau đã được ghép thành cuốn sách: “Noi dấu chân Ngài: Chúa Giê-xu sẽ làm gì?” – WWJD hoặc W.W.J.D

Có lẽ câu khẩu hiệu của Mục sư Charles Sheldon là gợi ý hoàn hảo cho chúng ta trong việc chọn nếp sống là Đền Thờ của Chúa giữa vòng dân ngoại, giữa nơi mình đang sinh sống và làm việc. Câu hỏi đó đưa chúng ta đến với tiêu chuẩn của lời Chúa và điều Ngài mong muốn. Nhưng đừng chỉ dừng lại ở việc đặt câu hỏi đó, bởi lẽ không phải chúng ta không biết điều Chúa muốn, mà vấn đề rất nhiều lúc nằm ở chỗ “tâm thần thì muốn làm nhưng thể xác thì yếu đuối” và “tôi muốn làm điều lành nhưng điều dữ cứ dính dấp theo tôi.” Hãy tiến lên thêm một bước nữa để khẳng định rằng: “Nay tôi sống không phải là tôi sống nữa nhưng Đấng Christ sống trong tôi” (Ga-la-ti 2:20). Chúa Giê-xu đã đến sống giữa thế gian này và từng nếm trải qua hết mọi cảnh ngộ đời người, nhưng điều mấu chốt là Ngài không phạm tội. Ngài muốn sống đời sống đắc thắng đó qua bạn khi bạn nói rằng: nay con sống không phải là con sống nữa mà chính Ngài sống qua con. Vì con đã chết nên con không quyết định nữa, Ngài hãy quyết định thay con. Thế gian vẫn sẽ tiếp tục mời mọc, đám đông vẫn sẽ tiếp tục reo hò, lôi cuốn, đam mê vẫn tiếp tục lên tiếng

Giữa những lúc ấy, hãy hỏi chính mình: “Chúa Giê-xu đang sống trong tôi, Ngài sẽ làm gì trong hoàn cảnh này?”