“CHÚA BIẾT rằng Kế Hoạch Cứu Rỗi Bí Mật của Ngài chỉ có thể thực hiện nếu Áp-ra-ham hoàn toàn tin cậy Ngài. Đức Chúa Trời phải chắc chắn rằng Áp-ra-ham sẽ làm bất cứ điều gì Ngài phán bảo. Vì vậy, một lần nọ, Chúa bảo Áp-ra-ham dâng cho Ngài một lễ vật. Áp-ra-ham rất thích dâng lễ vật cho Chúa. Ông đã dâng lên Chúa nhiều con vật mình nuôi, được gọi là “con sinh tế”. Đây là một cách để Áp-ra-ham bày tỏ với Chúa rằng: “Con yêu Ngài”. Nhưng lần này Chúa không muốn chiên hay dê, Chúa muốn Áp-ra-ham dâng cho Ngài một điều gì đó lớn hơn – lớn hơn rất nhiều. Ngài muốn Áp-ra-ham dâng con trai mình, đứa con trai duy nhất của ông, đứa con mà ông rất mực yêu thương – Y-sác. Đặt cậu bé lên bàn thờ và giết nó như một sinh tế ư? Làm sao Đức Chúa Trời có thể muốn ông làm một điều khủng khiếp như vậy? Áp-ra-ham không hiểu. Nhưng ông biết Đức Chúa Trời là Cha của ông và Ngài yêu thương ông. Vì lẽ đó, Áp-ra-ham đã tin Ngài.
Sáng sớm hôm sau, Áp-ra-ham và Y-sác khởi hành. Họ trèo qua dốc đá để lên núi. Y-sác vác củi trên lưng. Cha cậu mang theo lửa và dao. “Thưa cha,” Y-sác nói, “chúng ta có đủ hết ngoại trừ chiên con để làm sinh tế.” “Đức Chúa Trời sẽ cung cấp chiên con cho chúng ta, con trai,” Áp-ra-ham trả lời. Sau đó, họ dựng một bàn thờ và xếp củi lên trên đó, rồi Áp-ra-ham bảo con trai mình leo lên trên đống củi. Y-sác không hiểu nhưng cậu biết cha yêu mình. Và cậu tin cha mình. Cậu trèo lên bàn thờ dâng của lễ và Áp-ra-ham trói cậu vào đống củi. Y-sác không vùng vẫy hoặc cố chạy trốn, cậu chỉ nằm yên và không nói gì.
Mọi thứ đã sẵn sàng. Áp-ra-ham cầm lấy con dao. Nước mắt đầy tràn. Nỗi đau chiếm lấy hết trái tim ông. Bàn tay ông run rẩy. Ông giơ dao lên cao – “DỪNG LẠI!” Chúa phán. “Đừng làm tổn thương đứa trẻ. Ta muốn đứa trẻ sống và không chết. Bây giờ, Ta biết con yêu Ta vì con đã không tiếc dâng đứa con trai duy nhất của mình cho Ta. ” Lòng Áp-ra-ham như nhảy múa vui mừng. Ông cởi trói cho Y-sác và ôm chầm lấy cậu. Tiếng khóc nức nở khiến toàn bộ cơ thể ông run lên. Làn nước mắt nóng hổi đầy khắp khuôn mặt ông. Và rất lâu, họ cứ ở đó như thế, ôm chặt lấy nhau, cậu bé và cha mình. Đột nhiên, Áp-ra-ham thấy một con chiên đực mắc kẹt trong bụi cây – đó chính là một sinh tế. Đức Chúa Trời đã ban cho họ đúng lúc điều họ cần. Chiên đực sẽ chết nên Y-sác sẽ không phải chết. Thế là, Áp-ra-ham đã dâng chiên đực làm sinh tế thay cho con trai mình. Và khi họ ngồi trên đỉnh núi, ngắm nhìn những ngọn lửa lụi dần trong không gian giữa trời đêm mát mẻ cùng những vì sao lấp lánh trên bầu trời, Chúa đã giúp Áp-ra-ham và Y-sác hiểu ra một điều gì đó. Chúa muốn dân sự của Ngài được sống, không phải chết. Ngài muốn giải cứu dân sự của Ngài, chứ không phải trừng phạt họ. Nhưng, họ phải tin Ngài…”
(the Jesus Storybook Bible)
Đọc câu chuyện của Áp-ra-ham và Y-sác theo Sáng Thế Ký 22 được viết dưới ngòi bút tài ba và tấm lòng đầy xúc cảm của Sally Lloyd-Jones có lẽ chúng ta đều cảm động. Sally đã vẽ được cảm xúc tận sâu trong tấm lòng của một người cha khi bị thách thức dâng điều mình yêu quý nhất, theo một cách có thể nói là khó hiểu nhất. Sally cũng đã khắc họa hai sự vâng lời tuyệt đối trong câu chuyện này, đó là sự vâng lời của Áp-ra-ham đối với Đức Chúa Trời và sự vâng lời của Y-sác đối với Áp-ra-ham. Tuy nhiên, còn có một sự vâng lời nữa mà chúng ta cần phải nhận biết và sự nhận biết này sẽ chỉ xảy ra khi chúng ta hiểu về nghĩa của từ Di-rê. Tín hữu Tân ước thường hiểu chữ Di-rê này theo hướng tài chính, tiền bạc – một sự cung ứng về nhu cầu vật chất. Nhưng nếu chúng ta xét về bối cảnh lần đầu tiên từ Di-rê được xuất hiện, ngay tại Sáng Thế Ký 22 này, thì chúng ta sẽ hiểu rằng đây là sự cung ứng một “của tế lễ” hay có thể gọi là một “lễ vật”. Sự cung ứng đó được xảy ra dưới hình thức của một sự thay thế. Con chiên đực thay thế Y-sác. Sally Lloyd-Jones viết tiếp:
“Nhiều năm sau đó, một Con Trai khác sẽ leo lên một ngọn đồi, vác cây gỗ trên lưng mình. Giống như Y-sác, Con Trai ấy sẽ tin cậy Cha mình và làm những gì Cha bảo. Con Trai ấy sẽ không vùng vẫy hay chạy trốn. Con Trai ấy là ai? Đó là Con của Đức Chúa Trời, Con Một của Ngài – Con mà Ngài rất mực yêu thương, là Chiên Con Trời.”
Đây là sự vâng lời thứ ba mà phân đoạn Kinh Thánh này muốn báo trước cho chúng ta biết khi nói rằng: “Trên núi Đức Giê-hô-va sẽ có sự cung ứng.” Đức Chúa Trời không cần Áp-ra-ham dâng Y-sác, vì chính Ngài sẽ dâng Con Một duy nhất của Ngài cũng trên chính ngọn núi ấy, tại đồi Gô-gô-tha gần 1.800 năm sau đó, để chết chuộc tội thay chúng ta qua việc “Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.” (Phi-líp 2:8)
Sáng Thế Ký 22 không phải được viết lại chỉ để ca ngợi về đức tin và sự vâng lời của tổ phụ đức tin chúng ta, nhưng được viết lại để cho chúng ta hiểu về một “Y-sác tuyệt vời hơn” sẽ xuất hiện, đó chính là Chúa Giê-xu, là của lễ thiêu duy nhất một lần đủ cả để cứu cả nhân loại. Một “Y-sác” vác cây gỗ đi lên đồi không chỉ vì vâng lời Cha, mà còn vì tình yêu của Ngài đối với loài người. Chính vì thế dù biết mình phải chết cho một nhân loại không xứng đáng, nhưng Ngài vẫn làm. Sáng Thế Ký 22 cũng đã viết lại để chỉ về tấm lòng của Đức Chúa Trời. Sally Lloyd-Jones đã khắc họa tấm lòng người cha là Áp-ra-ham thật rõ, nhưng đọc đến cuối diễn biến của câu chuyện này trong Sáng Thế Ký, không phải chúng ta bỗng nhiên nhìn thấy tấm lòng của Đức Chúa Trời sao? Ngài đã hiện ra hai lần để nói lặp lại một điều này thôi. Đó là điều gì? – “Con đã không tiếc chính con mình”. Chúa khẳng định điều đó đến hai lần với Áp-ra-ham. Không phải trong lòng Chúa, lúc đó cũng đang ngập tràn hạnh phúc sao? Ngài đã tìm thấy một người đồng cảm với điều Ngài sẽ làm. Ngài đã tìm thấy một người hiểu việc phó chính con mình, để con mình phải chết, có nghĩa là gì. Sau này tuyên ngôn tình yêu của Rô-ma 8:32 đã khẳng định: “Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì tất cả chúng ta mà phó Con ấy cho, thì Ngài lại không ban mọi sự cùng với Con ấy cho chúng ta sao?”
Đó là sự cung ứng mà Kinh Thánh nói đến. Đó là sự cung ứng mà Đức Chúa Trời đang nói đến. Đó là sự cung ứng mà Áp-ra-ham chỉ “nhìn được từ xa” mà đã nói đến: Giê-hô-va Di-rê – trên núi Đức Giê-hô-va sẽ có sự cung ứng.
Sau khi bày tỏ chính mình Ngài trong Kinh Thánh là Đức Chúa Trời Ê-lô-him trong Sáng Thế Ký 1 thì không lâu sau đó, Đức Chúa Trời bày tỏ Ngài là Giê-hô-va Di-rê. Ngài tạo nên thế giới này và tất cả con người trong đó, nhưng Ngài biết trước con người sẽ chọn quay lưng lại với Ngài, tìm đường riêng, mưu cầu hạnh phúc theo mắt mình, cho nên Ngài đã có sự cung ứng. Hiểu được điều này, có lẽ chúng ta sẽ ngừng việc chỉ cám ơn Đức Chúa Trời đã Di-rê những nhu cầu vật chất hàng ngày của chúng ta hoặc chỉ trông mong vào điều đó. Tấm lòng của Ngài đã sẵn sàng ban sự cung ứng lớn nhất và cần thiết nhất cho chúng ta, vậy nên chúng ta cũng hãy cảm tạ Chúa vì sự cung ứng lớn nhất và cần thiết nhất đó.