Với một hình ảnh quen thuộc như hình ảnh con chiên, với một đề tài gần gũi như đề tài Đấng Chăn Chiên, chúng ta sẽ nói được gì? Chúng ta có thể nói gì hơn ngoài sự xác nhận rằng chúng ta là chiên và chúng ta cần người chăn dắt cuộc đời mình. Ai cũng cần có người để theo. Chúng ta được sinh ra với một bản năng cần được ai đó hướng dẫn, cần được ai đó chỉ lối. Nhỏ thì cần cha mẹ. Chẳng phải âm thanh bi ba bi bô đầu đời là do chúng ta nghe được từ ba mẹ đó sao? Lớn một tí chúng ta cần anh chị, bà con ruột thịt hay hàng xóm cũng được, miễn là lớn hơn, hiểu chuyện hơn, để mình bắt chước theo, để mình được yêu cầu làm một việc gì đó. Tuổi đến trường, chúng ta cần thầy cần cô, và lắm khi ngô nghê nghe theo tất tần tật mọi điều được chỉ dạy, đến độ câu cửa miệng quen thuộc thường nghe thấy khi trẻ con đi học về là “nhưng mà cô con nói…” Trưởng thành hơn, dù đã biết lập luận đôi chút để phân biệt đúng sai hay ngay cả khi giữ vị trí lãnh đạo cao, thì bản năng đi theo một ai đó vẫn không biến mất. Có lẽ đó là cách Chúa đã tạo dựng trong mỗi người, để dẫn chúng ta đến với sự chăn dắt thật sự của Đấng đã khẳng định: “Chiên Ta nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta ban cho chúng sự sống đời đời, chúng chẳng hư mất bao giờ, và chẳng ai cướp được chúng khỏi tay Ta. Cha Ta, Đấng vĩ đại hơn tất cả, đã cho Ta những chiên ấy, và chẳng ai cướp được chúng khỏi tay Cha” (Giăng 10:27-29).
Ba câu Kinh Thánh ngắn ngủi này có sáu điều tuyệt vời mà Chúa Giê-xu làm cho những môn đồ thật của Ngài:
1) Chiên Ta nghe tiếng Ta (10:27)
2) Ta biết chúng (10:27)
3) Chúng theo Ta (10:27)
4) Ta ban cho chúng sự sống đời đời (10:28)
5) Chúng chẳng hư mất bao giờ (10:28)
6) Chẳng ai cướp được chúng khỏi tay Cha (10:29)
Nếu đã từng nhìn nhận những lẽ thật này một cách cụ thể và đầy đủ như thế, bạn sẽ rất kinh ngạc. Hãy cùng nhau nói về từng điều ấy để thấy giá trị của ân điển trọn vẹn cho cuộc đời những người theo Chúa như chúng ta.
1) Chiên Ta nghe tiếng Ta (10:27)
Chiên của Chúa – chỉ ba chữ này thôi cũng đủ để chúng ta bay bổng. Chúng ta là tài sản của Chúa, chúng ta thuộc về Chúa, chúng ta là báu vật của Chúa. Và vì gần với Chúa như thế, sát với tim Ngài như thế, nên chúng ta nghe được tiếng của Ngài. Điều này đến từ thói quen trò chuyện của người chăn và thói quen lắng nghe của chiên. Không con chiên nào từ ngày đầu đã nhận biết và quen tiếng người chăn cả, nhưng việc nghe, để ý và ghi nhớ, giúp cho chiên quen thuộc được tiếng người chăn của mình.
2) Ta biết chúng (10:27)
Bản dịch truyền thống dịch chỗ này là “Ta quen chúng.” Từ “quen” này là từ ngày xưa được dùng cho hai người đang yêu nhau, tìm hiểu và biết nhau, biết “đường đi lối về”, biết tâm tư, biết tính tình, biết ước mơ, biết luôn cả những điều khó nói. Từ “quen” này cũng là từ có trong từ “thói quen” – một điều gì đó đã thành nếp, thành bản tính, bản chất, thành “thương hiệu” của người đó rồi. Tất cả đều là để cho chúng ta hình dung rằng Chúa biết thật nhiều và thật rõ về chúng ta trong mối liên hệ yêu thương này. Nhưng từ “biết” này trong nguyên gốc còn mạnh hơn như thế, đó là sự hiểu biết như vợ chồng – là một, biết như biết chính mình vậy.
3) Chúng theo Ta (10:27)
Như đã nói ở trên, con người có nhu cầu cần ai đó để theo, nay Chúa nói chúng ta có thể theo Ngài. Có một bài hát lời thật thiết tha:
“Bỏ Ngài con biết theo ai?
Trời lộng gió cánh chim ngàn khơi
Trùng dương sóng nước mênh mông
Thuyền buông lái biết đi về đâu?
Bỏ Ngài con biết theo ai?
Bên đời kia tương lai tít mù
Bước đi không Ngài
Đời con buồn tênh…”
Thật là thê lương khi chúng ta không có Chúa để theo! Chúng ta hẳn còn nhớ khi sắp bước vào giai đoạn chịu khổ nạn của chức vụ, nhiều môn đồ thối lui, không theo Chúa Giê-xu nữa. “Đức Chúa Giê-xu nói với mười hai môn đồ: ‘Còn các con cũng muốn thối lui chăng?’ Si-môn Phi-e-rơ đáp: ‘Thưa Chúa, chúng con sẽ theo ai? Chúa có lời của sự sống đời đời. Chúng con đã tin và nhận biết rằng Chúa là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời’” (Giăng 6:67-69).
4) Ta ban cho chúng sự sống đời đời (10:28)
Ồ, đây là một món quà khổng lồ, là một sự ban cho vô cùng vĩ đại! Kích thước của nó là vượt không gian, chiều sâu của nó là thăm thẳm, và chiều cao của nó là vô tận, vì nó gắn liền với thiên đàng và cõi đời đời. Chúng ta thường nói đến “tiên vị của thiên đàng” – nhưng vị nếm trước này còn nhỏ lắm so với thiên đàng thật. Tình yêu cha mẹ có thể là sức mạnh sưởi ấm trái tim non nớt của chúng ta, nhưng niềm vui thích được ở bên và tự hào về cha mẹ ấy vẫn còn rất nhỏ so với việc “vào hưởng sự vui mừng của Chúa ngươi” (Ma-thi-ơ 25:23). Khi những người ở những nơi khác nhau, bối cảnh ngôn ngữ khác nhau, đến cùng nhau trong sự thờ phượng, chúng ta gọi đó là “tiên vị của thiên đàng”, nhưng làm thế nào để ví sánh với sự thờ phượng của muôn dân trước ngai cùng muôn vàn thiên binh và thiên sứ xung quanh mình? Sự viên mãn của chàng rể mới cưới bên tân giai nhân, là nàng dâu của mình dù có ngọt ngào và tình ý đến đâu, cũng chỉ là rất nhỏ so với sự viên mãn trong ngày mà những người tin Chúa – Hội Thánh – nàng dâu của Đấng Christ, được trình diện “không tì, không vít, không chỗ trách được, không chi giống như vậy” (Ê-phê-sô 5:27) trước mặt chàng rể của mình là Chúa Giê-xu, Đấng hứa lời hứa thành tín với Hội Thánh Ngài.
5) Chúng chẳng hư mất bao giờ (10:28)
Sau khi ăn trái cấm, sự nhận biết đầu tiên của A-đam và Ê-va là về sự trần truồng của mình; do đó, họ đã lấy lá vả che thân (Sáng Thế Ký 3:7). Lá vả không phải là một loại vật liệu tốt để làm quần áo. Khi nắng lên, lá bị khô, lộ ra sự xấu hổ của hai người. Đức Chúa Trời yêu A-đam và Ê-va nên Ngài đã lấy da thú kết thành áo dài cho hai người mặc (Sáng Thế Ký 3:23). Mặc dù ký thuật trong sách Sáng Thế Ký không nói rõ con thú bị giết để lấy da để làm áo cho A-đam và Ê-va là con vật gì, nhưng người Do Thái tin rằng đó là con chiên. Trong Khải Huyền 13:8, thành ngữ “Chiên Con bị giết từ buổi sáng thế” liên hệ đến câu chuyện này. Tác giả sách Khải Huyền đã dùng thành ngữ đó để chỉ về Đức Chúa Giê-xu. Ngài là Chiên Con bị giết từ buổi sáng thế để giải quyết hậu quả của tội lỗi mà tổ phụ loài người đã gây ra. Đó không chỉ là sự thay thế để có một chiếc áo không bị khô lúc nắng lộ sự trần truồng, nhưng là sự phục hồi để đem con người trở lại tình trạng không hư mất, được sống mãi mãi trong sự hiện diện của Chúa.
6) Chẳng ai cướp được chúng khỏi tay Cha (10:29)
Có lẽ, bài học vỡ lòng với đa số Cơ Đốc nhân là bài “Em là chiên của Chúa” và đoạn Kinh Thánh đầu đời được dạy học thuộc lòng không bài nào êm ả và ngọt ngào hơn là Thi Thiên 23 – Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi. Dầu quen thuộc như thế đó và dầu nhận biết mình phải theo Ngài từng giây phút, nhưng có lẽ không dưới một lần, chúng ta đã từng rời bước khỏi sự dẫn dắt của Đấng Chăn Chiên của linh hồn mình. Covid-19 năm nay đã cướp đi của nhân loại và của thế giới chúng ta nhiều điều? Nhưng có gì cướp bạn được khỏi tay của Chúa? Nếu bạn là chiên CỦA Ngài, thì “tôi đoan chắc rằng dù sự chết, sự sống, các thiên sứ, các bậc cầm quyền, việc hiện tại, việc tương lai, các quyền lực, chiều cao, chiều sâu, hoặc một tạo vật nào cũng không thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Giê-xu, Chúa chúng ta” (Rô-ma 8:38-39).