Thế giới chúng ta từng bị bất ngờ, lo lắng, và thương cảm về cuộc chiến tranh giữa Nga và U-cờ-rai-na. Cuộc chiến nào cũng tang thương. Dân tộc nào khi nghĩ đến chiến tranh cũng lo sợ vì chết chóc và huỷ diệt. Người trong và ngoài cuộc đều mong đợi sự xuất hiện của một vị anh hùng nào đó. Rồi cuộc chiến chấm dứt, lịch sử ghi nhận những tên tuổi làm rạng danh dân tộc, giữ gìn đất nước, bảo vệ giống nòi. Có một cuộc chiến diệt chủng trong Kinh Thánh mà sau khi cuộc chiến kết thúc, lịch sử ghi lại chân dung một vị anh hùng dân tộc, “người được tôn trọng giữa người Do Thái, và được anh em quý mến vì ông mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc và lên tiếng để đem lại an ninh cho nòi giống của mình”(Ê-xơ-tê 10:3). Vị anh hùng đó tên là Mạc-đô-chê.
Mạc-đô-chê là một người Do Thái lớn lên ở đế quốc Ba Tư. Ở đó người ta không thờ phượng Đức Chúa Trời. Là một người lưu đày nơi đất khách, ông cũng đặt cho Ha-đa-sa, con gái nuôi của mình một cái tên Ba Tư: Ê-xơ-tê, nghĩa là ngôi sao. Tên Ba Tư không sao cả và có lẽ Ê-xơ-tê với ông cũng ăn mặc theo cách Ba Tư, không sao, nhưng giống như Đa-ni-ên cùng ba người bạn Hê-bơ-rơ, khi liên quan đến việc thờ thần tượng thì Mạc-đô-chê từ chối. Vì luật Ba Tư lệnh người dân sống ở Ba Tư thờ lạy các thần và những người có địa vị, quyền lực của họ, nhưng là công dân của Đức Chúa Trời, ông vâng phục một luật pháp cao hơn: “Trước mặt Ta, ngươi chớ có các thần khác.” Và trong hoàn cảnh dù nguy hiểm đến tính mạng, những người lưu đày Do Thái, tuyển dân của Chúa, vẫn “thà vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời người ta.” Vị anh hùng dân tộc, Mạc-đô-chê đã giữ vững đời sống thờ phượng như thế đó.
Quyết định này đã đẩy Mạc-đô-chê, Ê-xơ-tê, khi ấy là hoàng hậu Ba Tư cùng toàn dân Do Thái đi vào chỗ chết. Trước nguy hiểm diệt vong cận kề, vì tin cậy Đức Chúa Trời và thương cho an nguy của dân tộc, Mạc-đô-chê đã than khóc, cầu nguyện, và thách thức Ê-xơ-tê diện kiến vua, thỉnh cầu giải cứu dân tộc mình. Đang lúc mọi việc chưa có lối thoát khả dĩ nào thì bất ngờ trùng hợp, tối hôm đó, vua xem sách sử. Khi ấy, chính việc lành cứu vua thoát khỏi vụ mưu sát mà Mạc-đô-chê từng “làm tay phải không cho tay trái biết” đã giúp giải phóng dân tộc ông khỏi nạn diệt vong, đưa Ê-xơ-tê, con gái nuôi của ông lên vị trí được tín nhiệm bội phần, và chính ông cũng trở thành tể tướng của vua. Mạc-đô-chê đã kính trọng người cầm quyền và trung thành với vua như thế đó.
Đại thi hào Victor Hugo có nói: “Trí tuệ giàu lên nhờ những điều nó nhận được, trái tim giàu lên nhờ những cái nó cho đi.” Mạc-đô-chê là người lo nghĩ cho người khác, ở gia đình thì lo nghĩ cho Ê-xơ-tê, ngoài cộng đồng thì lo nghĩ cho dân tộc lưu đày yếu thế, ở nơi làm việc ông lo nghĩ cho vua. Ông đã cho đi thật nhiều để rồi nhận lại nhiều lần hơn, chắc hẳn tấm lòng ông thật đầy vào những năm cuối đời. Có lẽ mỗi năm đến lễ Phu-rim là mỗi lần lòng ông nhảy múa. Và người Do Thái có lẽ so sánh ông với Giô-sép, một người cũng bị bắt qua một đế quốc nổi tiếng, là công dân sống dưới bầu trời Ai Cập nhưng giữ luật pháp của Đức Chúa Trời trên các tầng trời. Và lịch sử như lặp lại, Giô-sép và Mạc-đô-chê đều bảo tồn được dòng dõi của dân tộc mình. Mạc-đô-chê đã mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc và lên tiếng để đem lại an ninh cho nòi giống của mình như thế đó.
Chúng ta, công dân Việt Nam, nhưng cũng là công dân nước Trời. Đức Chúa Trời muốn chúng ta giữ đời sống thờ phượng thuần khiết đầy kính sợ. Ngài muốn chúng ta kính trọng, vâng phục, và cầu thay cho bậc cầm quyền đang dẫn dắt chúng ta. Ngài cũng ao ước nhìn thấy chúng ta mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc mình và lên tiếng để đem lại an ninh cho nòi giống của mình. Chúng ta là Cơ Đốc nhân Việt Nam và chúng ta yêu Việt Nam.