Mục sư Tiến sĩ John Piper, được xem là một trong những nhà thần học lỗi lạc thời chúng ta, có nói: “Chúa được vinh hiển nhiều nhất khi chúng ta thoả nguyện trong Ngài nhiều nhất.” Câu nói này thoạt nhiên khó hiểu đối với chúng ta bởi lẽ văn hoá Á Đông và kể cả quan điểm chung đều dạy chúng ta rằng: “con cái khôn ngoan, vẻ vang cha mẹ.” Điều này mang ý niệm rằng người làm cha mẹ thường được hạnh phúc, tiếng tốt và hãnh diện là do người con làm được một việc gì đó to tát, đạt được thành tựu ngoài xã hội; thế nhưng, hãy suy gẫm xem điều này như thế nào với Cha Thiên Thượng của chúng ta. Đức Chúa Trời được vinh hiển muôn phần là khi chúng ta tìm thấy sự thoả nguyện ở trong Ngài, chứ không phải chỉ khi chúng ta dâng Ngài những kết quả, những chiến thắng mình đạt được sau bao nỗ lực. Không phải chạy lòng vòng với những cố gắng, không phải xoắn xuýt với những lo toan, không phải tất bật với những nhu cầu, không phải đứng ngồi không yên để tìm cách đáp trả lại những điều không hay xảy ra trong cuộc sống. Chúa muốn những người tin Ngài ở yên một chỗ, một chỗ quan trọng nhất cho tâm linh, cảm xúc và cả thân thể mình, đó chính là Ở TRONG NGÀI, vị trí khiến Ngài hài lòng nhất. Ở trong Chúa có ý nghĩa gì? Một trong những minh họa sống động và mạnh mẽ nhất của Chúa Giê-xu về mối liên hệ của người tin Chúa với Ngài là cây nho và cành. Cành là một phần của cây nho, cành phát triển lên nhờ gốc nho, cành sống được nhờ chất dinh dưỡng cung cấp từ gốc, cành không thể sống nếu lìa gốc. Sự dạy dỗ này được tìm thấy trong Giăng 15. Khi ấy, Chúa Giê-xu đang chuẩn bị cho các môn đồ, vì Ngài sắp đi con đường thập tự và rời xa họ về mặt vật lý. Chúa Giê-xu đang nói về một sự gần gũi, gắn kết bằng tâm linh.
“Ta là cây nho, các con là cành. Ai cứ ở trong Ta, và Ta trong người ấy thì sinh ra nhiều quả, vì ngoài Ta các con không làm gì được” (Giăng 15:5). Hình ảnh nhánh nho và gốc nho cho ta thấy ngay chữ KẾT NỐI hay GẮN KẾT. Điều thường được mô tả là “sự kết hợp với Đấng Christ.” Và đó là một sự kết nối qua lại cùng nhau: “các con cứ ở trong Ta” và “lời Ta cứ ở trong các con” (Giăng 15:7). Nếu Chúa không ở trong một người và người đó không ở trong Chúa, thì sẽ không có sự kết nối, không có sự sống, và cũng không có bông trái. Sự gắn kết này là vô hình nhưng phương thức thực hiện nó lại là hữu hình, là rất thực tế và cụ thể. Với Chúa Giê-xu là Ngài đã hạ giáng, sống giữa con người, đã “được treo lên khỏi đất” để “kéo mọi người đến với Ngài” (Giăng 13:32), hữu hình và rất cụ thể. Còn với chúng ta thì sao? Đó là việc dành thời gian cho Chúa. Chúng ta đều đồng ý rằng: “Thước đo của tình yêu là thời gian. Bạn không thể nói yêu một người rất nhiều khi bạn không dành thời gian của mình cho người đó.” Niềm mong mỏi tha thiết của hầu hết tác giả Thi Thiên, chính là dành thời gian cho Chúa, là “nhớ đến Chúa”, là “suy gẫm về Chúa suốt trọn canh đêm”, là “một ngày trong hành lang Chúa quý hơn ngàn ngày khác”, là “trồng” hẳn trong nhà Chúa để được “trổ bông trong hành lang Đức Chúa Trời chúng ta.” Ở TRONG CHÚA còn có nghĩa là PHỤ THUỘC – đây là điều chúng ta không tự làm được, chúng ta không tự làm cho mình hạ xuống và lệ thuộc vào Chúa được. Cái tôi của chúng ta không “dạy” chúng ta làm điều đó. Chính Chúa Giê-xu đã đánh đổ sự tự tôn, tự phụ, tự lực này của chúng ta để chúng ta có thể hạ mình và bắt đầu phụ thuộc, giao phó cho Ngài. Cành phụ thuộc vào cây nho, nhưng cây nho không phụ thuộc vào cành. Cành lấy nguồn sống và sức mạnh từ gốc nho, chứ gốc nho không phải nhờ cành mà trở nên mạnh hơn hay xum xuê hơn. Gốc nho cung cấp nước, khoáng chất và chất dinh dưỡng để cây phát triển: cành phải gắn vào gốc nho. Vậy nên, Chúa Giê-xu mới nói: “vì ngoài Ta ra, các con không làm gì được” (Giăng 15:5).
Ở TRONG CHÚA còn có nghĩa là LIÊN TỤC. Theo tiếng Hy Lạp, từ này có nghĩa là “ở lại”, “cứ ở” hoặc “tiếp tục.” Đó là “hằng được ở dưới bóng của Đấng Toàn Năng” (Thi Thiên 91:1), vì Ngài “sẽ ở cùng các con cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:20), và “nay tôi sống không phải là tôi sống nữa mà Đấng Christ sống trong tôi” (Ga-la-ti 2:20). Đây là điều mà vua Đa-vít đã cầu nguyện: “Tôi đã xin Đức Giê-hô-va một điều, và sẽ tìm kiếm điều ấy. Đó là tôi muốn trọn đời tôi được ở trong nhà Đức Giê-hô-va, để nhìn xem sự tốt đẹp của Đức Giê-hô-va, và cầu hỏi trong đền của Ngài” (Thi Thiên 27:4), cũng là niềm vui của tác giả trong Thi Thiên 139:18 rằng “Khi tỉnh thức, con vẫn còn ở với Ngài.” Chỉ khi cứ ở trong Ngài chúng ta mới hiểu được ý muốn Chúa, cũng như Đức Chúa Giê-xu cứ ở với Đức Chúa Cha, và không làm điều gì mà Ngài chưa thấy Cha làm (Giăng 5:19). Và như thế, Đức Chúa Giê-xu tôn vinh Đức Chúa Cha và dâng vinh hiển về cho Ngài qua việc làm điều Chúa đã có ý định sẽ làm lúc đó. Chúng ta cũng vậy, “bởi điều nầy Đức Chúa Cha được tôn vinh, ấy là chúng ta kết quả nhiều và trở nên môn đồ của Chúa Giê-xu.” Chúa sẽ được vinh hiển khi chúng ta kết quả, nhưng quả đó đến từ mối liên hệ cá nhân của chúng ta với Chúa, đó chính là sự gắn kết, việc ở trong Ngài, và sự trọn vẹn của cả linh, hồn, thân.
- Hành động của việc ở trong Chúa là gắn kết.
- Thái độ của việc ở trong Chúa là hạ mình phụ thuộc.
- Giá trị đo lường của việc ở trong Chúa là thời gian.
- Kết quả của việc ở trong Chúa là sinh bông trái.
- Mục đích của việc ở trong Chúa là làm Ngài vinh hiển.