Tại một cuộc họp của các nhà lãnh đạo Báp-tít vào cuối những năm 1700, có một người lãnh đạo trẻ mới được phong chức đã đứng ra trình bày khải tượng về công tác truyền giáo hải ngoại. Đang nói, một Mục sư lớn tuổi đã đột ngột đứng lên cắt ngang, người ấy nói: “Này anh bạn trẻ, ngồi xuống! Anh là một người nhiệt tình. Nhưng nếu Đức Chúa Trời muốn cứu những người ngoại, Ngài sẽ làm điều đó mà không cần hỏi ý kiến anh hoặc tôi.”
Người lãnh đạo trẻ đó là William Carey. Ông sau này được lịch sử gọi là cha đẻ của phong trào Truyền giáo Hiện đại. William Carey sinh trưởng tại một ngôi làng hẻo lánh tại nước Anh, và là một người thợ học việc tại một cửa hiệu đóng giày ở địa phương. Carey rất sốt sắng với đức tin nơi Chúa. Dù ít được học hành, nhưng Carey đã mượn cuốn sách ngữ pháp tiếng Hi Lạp và tự học sách Kinh Thánh Tân ước tiếng Hi Lạp.
Carey rất xem trọng Đại Mạng Lệnh của Chúa Giê-xu, ông biết rằng rao giảng Tin Lành là trách nhiệm của tất cả những người tin Chúa trong mọi thời đại. Ông cũng trách những ai bỏ qua bổn phận này: “Nhiều người đang ngồi khoanh tay thoải mái mà không thèm đoái hoài đến những con người tội lỗi – những người cho đến tận bây giờ vẫn đang hư mất trong sự thiếu hiểu biết và thờ thần tượng của mình.” Carey được thúc giục để “trông đợi những việc lớn Chúa làm và gắng sức làm những việc lớn cho Chúa”, năm 1793, Carey cùng gia đình ba cậu con trai và một bé chuẩn bị chào đời lên tàu đến Ấn Độ để truyền giáo. Ông không hình dung hết được cực nhọc tại đó, cho đến khi chính Carey mắc bệnh sốt rét và cậu con trai nhỏ 5 tuổi Peter chết vì bệnh. Nỗi đau quá lớn khiến cho vợ của ông bị suy nhược thần kinh. Bà bị ảo tưởng nên phải nhốt bà trong một căn phòng. Thời điểm đó Carey đã viết: “Đây quả thật là trũng bóng chết đối với tôi. Nhưng dầu vậy tôi vẫn vui mừng vì mình ở đây và Chúa cũng ở đây. Sau 7 năm làm giáo sĩ, Carey mới báp-têm được cho một người cải đạo đầu tiên. Carey tiếp tục kỳ vọng những điều vĩ đại. Trong hơn 28 năm kế sau đó, ông đã góp phần dịch toàn bộ Kinh Thánh sang những thứ tiếng của phần lớn dân số Ấn Độ, thành lập một trường Đại học nhằm đào tạo mục sư người địa phương, cung cấp các chương trình giáo dục về nghệ thuật và khoa học cộng đồng. Tính đến khi Carey qua đời, ông đã dành 41 năm tại Ấn Độ mà không có một kỳ nghỉ phép. Di sản vĩ đại nhất mà ông để lại đó chính là sự khích lệ, động lực cho phong trào truyền giáo lan khắp thế giới vào thế kỷ 19. Rất nhiều giáo sĩ khác được dấy lên từ sự ảnh hưởng bởi tấm gương và những lời nói khích lệ của Carey.
Sự khác biệt giữa người lãnh đạo Chúa cần và Chúa dùng đó là người đó thấy điều Chúa thấy, quan tâm điều Chúa quan tâm, làm điều Chúa muốn làm, đi đến nơi Chúa muốn đi, và sẵn sàng trải qua gian khó với sự giúp đỡ và ở cùng của Chúa để hoàn tất sứ mạng do Chúa khởi xướng. Người lãnh đạo Chúa cần William Carey này có gợi nhớ cho chúng ta về Nê-hê-mi – người lãnh đạo kiệt xuất trong Kinh Thánh? Nê-hê-mi, người lãnh đạo Chúa cần cho dân sự thời lưu đày. Sống ở Ba Tư nhưng Nê-hê-mi đã thấy sự hoang tàn và khốn khổ của dân sự Chúa mà Ngài thấy tại Giê-ru-sa-lem; Nê-hê-mi đã quan tâm đến an nguy của dân sự và vinh hiển của thành mà Ngài quan tâm; Nê-hê-mi đã dốc lòng xây dựng lại tường thành mà Ngài muốn tái thiết; Nê-hê-mi đã sẵn sàng trải qua nhiều chống đối với sự giúp đỡ và ở cùng của Chúa để hoàn tất sứ mạng do Chúa khởi xướng.
Bạn có sẵn sàng làm người lãnh đạo Chúa cần cho thời đại ngày nay, cho những sứ mạng lớn và nhỏ của công việc Chúa quanh mình?