10 SỰ THẬT VỀ CUỘC CHIẾN THUỘC LINH (Chuck Lawless, giáo sư và tác giả thần học)
Kinh Thánh nói về thực tại của một sự xung đột mà chúng ta phải đối mặt với tư cách là người tin Chúa, và chúng ta thường gọi sự xung đột đó là “cuộc chiến thuộc linh.” Những người truyền giáo thường nhận thức rõ nhất về thực tế này khi họ đưa những người không biết Chúa trở lại thờ phượng Ngài. Tuy nhiên, C. S. Lewis đã cảnh báo chúng ta nhiều thập kỷ trước rằng các tín đồ thường rơi vào một trong hai phe khi đối phó với ma quỷ: chúng ta phủ nhận sự tồn tại của chúng, hoặc chúng ta bị chúng áp đảo. Dù bạn thuộc cách nào trong hai cách trên thì đều có thể dẫn chúng ta đến chỗ bỏ qua những lời dạy cơ bản của Kinh Thánh về sự xung đột này.
1. Kinh Thánh là cuốn sách viết về Đức Chúa Trời, không phải ma quỷ.
Kinh Thánh không trả lời mọi câu hỏi về cuộc chiến thuộc linh, cũng không cho phép chúng ta tập trung chú ý vào ma quỷ. Bất kỳ cách tiếp cận nào đối với cuộc chiến thuộc linh nhằm tăng cường sức mạnh của ma quỷ đều không phản ánh cuộc chiến thuộc linh trong Kinh Thánh.
2. Sa-tan và các thế lực của hắn là có thật.
Một số người cho rằng khái niệm Sa-tan và ma quỷ chỉ là một nỗ lực của thế kỷ thứ nhất để giải thích về cái ác, nhưng Kinh Thánh tiết lộ rằng chúng là những sinh vật siêu nhiên có thật, đó là những kẻ chống lại Đức Chúa Trời và dân sự của Ngài. Chúng ta không nỗ lực để giải thích những quyền lực hắn là không thật được.
3. Tuy nhiên, Sa-tan không phải là vấn đề lớn nhất của chúng ta.
Chúng ta phải đối mặt với ba kẻ thù: thế gian, xác thịt của chúng ta, và ma quỷ (Ê-phê-sô 2:1–3).
Trong một số trường hợp, ba yếu tố này đan xen nhau đến mức rất khó phân biệt chúng. Tuy nhiên, vấn đề chính của người tin Chúa không phải là Sa-tan. Chúng ta mới là vấn đề lớn nhất của chính mình.
4. Chúa cai trị, thậm chí trên cả kẻ thù của Ngài.
Có sự xung đột giữa con người và con rắn bởi vì Đức Chúa Trời cho phép sự xung đột đó ở đó (Sáng Thế Ký 3:15). Xung đột đó sẽ dẫn đến thập tự giá, nơi mà cái chết của Chúa Giê-xu sẽ phế bỏ các quyền lực (Cô-lô-se 2:15). Thế nên, Đức Chúa Trời giữ uy quyền tối cao đang sử dụng các trận chiến thuộc linh để khiến chúng ta thành những môn đồ thật của Ngài.
5. Kẻ thù mà chúng ta phải đối mặt là một kẻ thù đã bị đánh bại.
Sa-tan đã bị buộc lại qua sự phán xét của Đức Chúa Trời và qua thập tự giá; đang bị buộc lại qua việc rao giảng Phúc Âm; và sẽ bị buộc lại vĩnh viễn. Chúng ta thực sự chiến đấu chống lại các quyền thống trị, các thế lực (Ê-phê-sô 6:12), nhưng ma quỷ và các thế lực của hắn chưa bao giờ nằm ngoài sự kiểm soát của Đức Chúa Trời.
6. Cuộc chiến thuộc linh là âm mưu của ma quỷ nhằm đánh lừa và chia rẽ các tín đồ.
Kể từ sự sa ngã trong vườn địa đàng, ma quỷ đã cố gắng dụ dỗ chúng ta bằng sự dạy dỗ sai lạc, lôi kéo chúng ta phạm tội và khích chúng ta chống lại nhau. Hắn làm điều này để ngăn chặn chúng ta làm vinh hiển danh Chúa và thi hành Đại mạng lệnh. Hắn tìm cách cắn nuốt chúng ta (I Phi-e-rơ 5: 8) để chúng ta không còn là ánh sáng cho thế giới hư mất này nữa. Kẻ thù này thường muốn chúng ta sa vào tội lỗi, nản lòng, bướng bỉnh kiêu ngạo, chia rẽ, hoặc im lặng trước người hư mất.
7. Nhưng chúng ta không ở thế phòng thủ trong trận chiến này.
Đúng vậy, chúng ta đứng chống lại Sa-tan (Ê-phê-sô 6:11, 13, 14), nhưng đứng không chỉ đơn giản là chờ đợi và làm chệch hướng mũi tên của kẻ thù. Ngay cả Phao-lô cũng đã kêu gọi người Ê-phê-sô đứng lên, xin sự cầu nguyện của họ để ông tiếp tục công bố Phúc Âm một cách dạn dĩ ngay cả khi ông bị cầm tù (Ê-phê-sô 6:18–20). Thế ông đứng là thế trung thành truyền giáo thậm chí khi cuộc chiến thuộc linh có thể khiến ông phải trả giá bằng mạng sống của mình. Chúng ta khoác lên mình đầy đủ khí giới của Đức Chúa Trời không phải để chúng ta có thể tự vệ, mà để chúng ta có thể tiến quân vào vương quốc của kẻ thù và để thực hiện công việc của Đại mạng lệnh.
8. Sa-tan chiến đấu chống lại chúng ta vì chúng ta là nhân chứng của Đức Chúa Trời cho thế giới.
Khi sứ đồ Phao-lô mô tả sự hư mất, ông thường vẽ chúng dưới khía cạnh chiến trận thuộc linh. Nói về người chưa được cứu, ông gọi là những người tin theo vua cầm quyền chốn không trung (Ê-phê-sô 2:2), người bị thần của thế giới này làm mù mắt (II Cô-rinh-tô 4:3–4), bị trói trong bóng tối (Cô-lô-se 1:13; Công Vụ Các Sứ Đồ 26:18), và bị sa vào cạm bẫy của Sa-tan (II Ti-mô-thê 2:25–26 ). Mục tiêu của hắn là ngăn cho chúng ta khỏi công bố và sống theo Phúc Âm mà đã giải phóng chúng ta tự do.
9. Tính chất tấn công của trận chiến này đòi hỏi sự truyền giáo và đào tạo môn đồ.
Truyền giáo đòi hỏi phải chủ ý đưa ánh sáng vào bóng tối. Sau đó, công tác môn đồ hóa đòi hỏi chúng ta phải dạy người khác hiểu vị trí của họ trong Đấng Christ và mặc lấy đầy đủ khí giới của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta không truyền giáo, những người không tin Chúa vẫn ở trong vương quốc của Sa-tan. Nếu chúng ta không môn đồ hoá, chúng ta đang đưa những người mới tin Chúa vào cuộc chiến mà không có vũ khí. Cả hai đều có thể dẫn đến bi kịch.
10. Chính lúc chúng ta bước vào cánh đồng truyền giáo, chúng ta đang đặt mình vào tầm ngắm của kẻ thù.
Bởi vì chúng ta đang tìm cách tiếp cận những người không tin, phát triển những môn đồ mạnh mẽ và xây dựng các Hội Thánh lành mạnh để mở mang thêm nhiều Hội Thánh nữa — tất cả điều đó có nghĩa là chúng ta đang xâm phạm lãnh thổ của kẻ thù — chúng ta có thể đoán được rằng kẻ thù sẽ đáp trả.
Tuy nhiên, chúng ta không cần phải sợ hãi. Trong quyền năng của Đức Chúa Trời, chúng ta cứ đơn giản yêu mến Chúa, sống và nói về Ngài theo cách mà Đức Chúa Trời được tôn vinh và khiến cho một Sa-tan đã bị đánh bại mà nay vẫn đang tiếp tục bị đe dọa (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:11–16).